Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR thuộc WHO) vừa có báo cáo về tình hình mắc mới và tử vong do ung thư tại 185 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Đây là báo cáo 2 năm một lần.
Tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Trong đó tỷ lệ mắc mới là 159,7/100.000 dân, tỷ lệ tử vong ở mức 106/100.000 dân.
Về tỷ suất mắc mới ung thư, Việt Nam đứng thứ 90 trên thế giới (tăng 9 bậc so với 2018, do 2 quốc gia Italy và Séc cùng chung tỷ lệ mắc), xếp vị trí 16 châu Á và đứng thứ 6 Đông Nam Á. Về tỷ lệ tử vong, Việt Nam đứng thứ 50 thế giới (tăng 6 bậc so với 2018).
Lãnh đạo Bệnh viện K nhận định, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ.
Tuy nhiên, điểm khác biệt, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này có xu hướng giảm.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K
Tại Việt Nam, 5 ung thư phổ biến ở cả 2 giới là: Ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng nhanh, lãnh đạo Bệnh viện K cho rằng có 7 nguyên nhân trong 2 nhóm (nhóm thay đổi được bao gồm lối sống, môi trường… và nhóm không thay đổi được liên quan đến gene, tuổi tác…):
Thứ nhất, do già hóa dân số. Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 73,7. Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Thứ hai, dân số tăng lên. Dân số nước ta đã đạt gần 97,8 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư.
Thứ ba, do rượu bia, thuốc lá. Đây là tác nhân hàng đầu gây ung thư, trong đó thuốc lá là nguyên nhân của 30% các trường hợp ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% ca mắc ung thư phổi.
Lạm dụng rượu bia gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng…
Thứ tư, do lối sống không lành mạnh, bao gồm ăn uống, vận động. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…) hay chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…
Thói quen lười vận động gây ra một số ung thư như ung thư vú, đại trực tràng.
Thứ năm, do môi trường sống. Ô nhiễm môi trường được xem là một trong những yếu tố gây ung thư.
Thứ sáu, nhận thức người dân tốt hơn, chủ động khám sức khỏe và tầm soát ung thư nhiều hơn nên số trường hợp phát hiện mắc ung thư tăng lên.
Thứ bảy, do hệ thống ghi nhận ung thư tại Việt Nam tốt hơn, số liệu được cập nhật đầy đủ hơn.
Cùng với đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh nhiều hơn.
Trong điều trị ung thư, sàng lọc, phát hiện sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều năm gần đây, Việt Nam đã cập nhật rất nhanh các phương pháp điều trị tiên tiến, kỹ thuật mới như xạ trị VMAT, IMRT, phẫu thuật nội soi, robot, xạ phẫu Gamma Knife…
Các thuốc mới trước đây phải sau nhiều năm mới được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam thì hiện nay thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.