Ung thư có nhiều phương pháp điều trị. Trong đó điều trị hóa chất là phương pháp sử dụng các loại thuốc đơn độc hay phối hợp.
1- Tổng quan ung thư và điều trị ung thư
Ung thư là sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào liên quan đến quá trình phân chia, các tế bào này có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô bình thường của cơ thể với tốc độ tùy thuộc vào loại ung thư, thể trạng người bệnh và các phương pháp điều trị.
Ung thư có nhiều phương pháp điều trị với hiệu quả điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, sự đáp ứng của cơ thể và sự hợp tác của người bệnh. Các phương pháp bao gồm phẫu thuật lấy bỏ khối ung thư, điều trị hóa chất, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng liệu pháp trúng đích, điều trị hỗ trợ và nâng đỡ.
Trong đó điều trị hóa chất là phương pháp sử dụng các loại thuốc đơn độc hay phối hợp nhằm phá hủy tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển hoặc làm giảm kích thước của chúng, ngoài ra còn có mục đích làm giảm triệu chứng do khối u gây ra hoặc hỗ trợ phương pháp phẫu thuật, xạ trị trong điều trị ung thư.
Hóa chất được sử dụng có thể bằng đường uống, đường tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch, hoặc có thể có đường dùng tại chỗ cho hiệu quả cao như bàng quang, màng phổi…
Các thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế gây độc tế bào, tác động lên quá trình phân chia nhanh chóng của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng tác động các tế bào ác tính, thuốc hóa trị cũng có ảnh hưởng nhất định lên các tế bào lành và gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Đây là lý do khiến hầu hết các người bệnh và người nhà đều lo lắng.
2- Các hình thức điều trị hóa chất
Điều trị hóa chất có thể tiến hành ở nhiều giai đoạn của bệnh, thông thường hay kết hợp với các phương pháp khác trong điều trị:
– Hóa trị bổ trợ: nhằm diệt nốt các tế bào nghi ngờ còn sót lại sau khi phẫu thuật, giúp đề phòng bệnh tái phát.
– Hóa trị tân bổ trợ: nhằm mục tiêu làm giảm kích thước của khối u, tạo thuận lợi cho phẫu thuật và điều trị bằng tia xạ sau đó.
– Hóa trị tấn công: chủ yếu được sử dụng trong các phác đồ điều trị bệnh ung thư máu cấp, dành cho giai đoạn điều trị tấn công.
– Hóa trị củng cố: một khi hóa trị tấn công trước đó đã đạt được kết quả tốt, hóa trị củng cố nhằm duy trì thành quả đó.
– Hóa trị duy trì: thường được sử dụng với liều thấp hơn nhằm kéo dài thời gian lui bệnh.
– Hóa trị triệu chứng: là những phác đồ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
3- Cơ sở lựa chọn điều trị hóa chất
– Thứ nhất: đó là giai đoạn của ung thư. Mỗi giai đoạn của ung thư đều có những mục tiêu điều trị, đi kèm theo đó là các kế hoạch điều trị thích hợp, kế hoạch này chính là những phác đồ được lựa chọn, những thuốc và liều lượng có thể cân nhắc sử dụng.
– Thứ hai: tuổi và sức khỏe của người bệnh. Hóa chất có nhiều tác dụng phụ, việc thăm khám kỹ để đánh giá toàn trạng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cân nhắc điều trị bằng hóa chất.
– Thứ ba: sự đáp ứng với hóa chất của các lần điều trị trước đó. Đó là việc duy trì hoặc cân nhắc gia giảm liều lượng để bảo vệ thành quả tốt của các lần điều trị trước.
– Thứ tư: sự đồng ý và hợp tác của người bệnh. Điều này rất quan trọng và thuộc về quy chế chuyên môn. Sự hợp tác và tuân thủ của người bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc làm tăng giảm đi các tác dụng phụ của thuốc và xử trí kịp thời các biến chứng do căn bệnh gây nên.
4- Thời gian điều trị hóa chất
– Điều trị hóa chất thường được chỉ định trong một khoảng thời gian gian nhất định tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, loại thuốc được sử dụng, ngoài ra còn phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, mức độ đáp ứng và sức chịu đựng của cơ thể.
– Vì các tác dụng phụ cho nên nhiều loại thuốc không cho phép sử dụng liên tục, phải ngắt quãng, hay còn gọi là chu kỳ điều trị, giữa các chu kỳ bệnh nhân sẽ có một khoảng nghỉ được nghiên cứu kỹ, đảm bảo cơ thể có thời gian phục hồi và tế bào ung thư thì chưa kịp phát triển mạnh mẽ.
Ví dụ: Người bệnh hóa trị vào ngày thứ nhất, sau đó có ba tuần để nghỉ ngơi trước khi điều trị lại. Chu kỳ mỗi ba tuần được gọi là một chu kỳ điều trị. Vài chu kỳ tạo nên một liệu trình hóa trị.
– Như vậy liệu trình điều trị (hay thời gian điều trị) phụ thuộc vào số đợt điều trị cũng như thời gian nghỉ để phục hồi giữa các đợt. Một liệu trình thông thường tối thiểu là 3 tháng: có những loại ung thư (ung thư vú, đại tràng, tinh hoàn,…) có liệu trình kéo dài 4 – 6 tháng, nhưng có loại ung thư (ung thư máu) có thể kéo dài cả năm.
5- Tác dụng không mong muốn của hóa trị
– Tác động lên toàn thân: Suy nhược, mệt mỏi: thường liên quan đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng hay trạng thái tinh thần của bệnh nhân.
– Tác động lên tủy xương
- Giảm hồng cầu gây thiếu máu.
- Giảm bạch cầu gây giảm đề kháng, dễ viêm nhiễm.
- Giảm tiểu cầu gây rối loạn đông máu, dễ bầm tím và chảy máu.
– Tác động trên đường tiêu hóa
- Chán ăn, buồn nôn và nôn: là tác dụng phụ thường gặp, có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình hóa trị.
- Tiêu chảy hoặc táo bón: do hóa chất tác động làm suy yếu chức năng tiêu hóa.
- Khô miệng và lở loét miệng: hình thành trên lưỡi, môi, nướu hoặc trong cổ họng gây khó khăn khi nhai nuốt.
- Suy giảm chức năng gan: Hóa chất gây tổn thương tế bào gan, làm tăng men gan, tăng nguy cơ nhiễm độc vào cơ thể.
– Tác động lên da, tóc: Gây xạm da, rụng tóc. Có lẽ rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến nhất của hóa trị mà ai cũng biết, tuy vậy rụng tóc chỉ là tạm thời và không phải ai cũng bị.
– Tác động lên cơ quan sinh sản: Do thuốc hóa trị làm thay đổi nồng độ hormone.
- Nữ: bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt, khô âm đạo,…
- Nam: giảm số lượng, chất lượng tinh trùng,…
- Ở cả 2 giới đều có thể bị giảm ham muốn tình dục, có nguy cơ vô sinh.
– Tác động lên hệ thần kinh: Dị cảm, rối loạn tính cách, hành vi, tê bì đầu ngón tay, điếc, ngủ lịm
– Tác động lên tim mạch: Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim (thường xảy ra muộn)
Tất cả các tác dụng phụ đều có các phương pháp khắc phục, điều trị, người bệnh không nên quá lo lắng mà phải xem đó như một tác dụng phải gặp trong quá trình hóa trị, bình tĩnh, hợp tác và chủ động báo cho bác sỹ biết để can thiệp kịp thời.
6- Chuẩn bị trước khi điều trị hóa chất.
– Bác sĩ sẽ chuẩn bị tất cả về mặt chuyên môn cũng như thủ tục hành chính theo quy định.
– Bác sĩ cần tư vấn kỹ cho người bệnh và người nhà, phải có sự thảo luận trao đổi kỹ càng với người bệnh, đặc biệt là trao đổi về thời gian điều trị, các tác dụng phụ và cách khắc phục.
– Về phía người bệnh và người nhà:
- Cần chuẩn bị về tâm lý sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ càng, cần thiết lập một kênh liên lạc trực tiếp với bác sỹ điều trị để kịp thời thông báo các phản ứng của thuốc cũng như các biến chứng của bệnh.
- Cần phải chuẩn bị một chế độ dinh dưỡng riêng theo hướng dẫn (các bác sỹ và điều dưỡng viên sẽ tư vấn về vấn đề này): tích cực ăn uống bồi dưỡng, vận động toàn thân nhẹ nhàng, hợp lý, nắm bắt được các tác dụng phụ để chủ động kiểm soát nó … và điều quan trọng hơn cả là phải chuẩn bị tâm lý cho thật tốt, thật thoải mái, hợp tác và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
7- Làm gì khi bị các tác dụng phụ?
– Khi đã điều trị hóa chất thì đương nhiên người bệnh sẽ bị tác động bởi tác dụng phụ của thuốc, xảy ra tùy theo loại thuốc, thời gian điều trị, sự đáp ứng của cơ thể và sức chịu đựng của mỗi người.
– Ngày nay, thuốc hóa chất để điều trị khá đa dạng, tác dụng tốt, ít tác dụng phụ, bên cạnh đó, thuốc hỗ trợ để kiểm soát triệu chứng khi có tác dụng phụ cũng rất đầy đủ và có hiệu quả cao. Hay nói cách khác, các tác dụng phụ ngày càng ít gặp hơn, mà nếu gặp cũng xảy ra một cách nhẹ nhàng và dễ dàng xử trí.
– Khi xảy ra các tác dụng phụ, trước tiên cần bình tĩnh và thông báo ngay cho bác sỹ biết để kịp thời tư vấn, hướng dẫn và xử trí. Bên cạnh đó, người bệnh và người nhầ cũng cần theo dõi các tác dụng phụ bằng cách ghi vào trong nhật ký và thường xuyên liên hệ với bác sĩ.
– Trong quá trình điều trị hóa chất, người bệnh sẽ được kiểm tra định kỳ bằng các xét nghiệm đánh giá chức năng của các cơ quan như gan, thận, tim mạch, các xét nghiệm huyết học .v.v… mục đích là đánh giá các nguy cơ để xử trí kịp thời
– Tiếp theo đó là tùy theo từng triệu chứng mà người bệnh có những cách khắc phục riêng. Ví dụ trong tác dụng phụ về đường tiêu hóa: Cần có chế độ ăn uống cân đối và hợp lý như phải có đạm, chất xơ, chất béo, vitamin… Cần có phương pháp chế biến thức ăn cho bệnh nhân sau hóa trị để có cảm giác ăn uống dễ dàng và dễ tiêu hóa…
– Ngoài ra, đối với tác dụng phụ nào cũng vậy, người bệnh có thể bổ sung chất đạm và vitamin bằng sữa thực vật, nên sử dụng loại sữa đã sử dụng để tránh rối loạn tiêu hóa do sữa. Khi dinh dưỡng của người bệnh được cân bằng, thể trạng sẽ khỏe hơn, sức chịu đựng theo đó sẽ tốt hơn và tác dụng phụ sẽ giảm đi đáng kể.
8- Lời khuyên của thầy thuốc
Tóm lại, điều trị hóa chất là một trong những phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt và ngăn cản sự phát triển tế bào ung thư. Cùng với các phương pháp khác như phẫu thuật, tia xạ, liệu pháp trúng đích đã hình thành nên các phác đồ điều trị thích hợp với từng loại ung thư, từng giai đoạn và tùy theo thể trạng của người bệnh.
Chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của điều trị bằng hóa chất, phải hiểu rõ căn bệnh, các loại thuốc và các tác dụng phụ để chủ động phối hợp xử trí trong mọi tình huống.
Khi có chỉ định điều trị hóa chất, không nên chần chừ, vì đây có thể được xem là thời gian vàng sử dụng Hóa chất như một vũ khí để tiêu diệt tế bào ung thư.