Đại tiện mất kiểm soát (không tự chủ) là hiện tượng phân hoặc hơi thoát ra ngoài một cách ngoài ý muốn. Những người mắc chứng đại tiện mất kiểm soát có thể không thực sự có cảm giác mót đại tiện lúc đó hoặc có cảm giác mót đại tiện nhưng không kịp vào nhà vệ sinh. Người mắc chứng đại tiện mất kiểm soát thường mô tả những khó chịu của họ như:
- Không thể kiểm soát được phân, hơi thoát ra từ hậu môn
- Cảm giác mót đại tiện trước khi bị đại tiện mất kiểm soát
- Phân thoát ra thường lỏng, nhầy
Chứng đại tiện mất kiểm soát có thể do cơ sàn chậu yếu sau phẫu thuật, sau chấn thương gây tổn thương cơ, tổn thương thần kinh hoặc do các nguyên nhân bệnh lý khác. Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc chứng đại tiện mất kiểm soát, bao gồm các yếu tố liên quan đến bệnh lý ung thư và các tình trạng bệnh lý khác:
· U chèn ép vào cột sống
· Yếu các cơ kiểm soát đại tiện
· Xạ trị vào vùng chậu, bụng, trực tràng hoặc sinh dục
· Phẫu thuật vùng chậu
· Táo bón
· Tiêu chảy
· Căng thẳng thần kinh
· Hội chứng ruột kích thích
· Trĩ
· Sa trực tràng (trực tràng, một phần đại tràng xuống hậu môn, thường do yếu các cơ vùng sàn chậu)
· Đái tháo đường mất kiểm soát
· Tổn thương thần kinh do đột quỵ, chấn thương cột sống, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson’s, bệnh xơ cứng rải rác.
· Một số thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng
Ngoài các yếu tố kể trên đối với cả 2 giới, yếu tố nguy cơ với nữ giới còn bao gồm: đẻ thường, đẻ nhiều, đặc biệt nếu thai lớn cần can thiệp bằng forceps hoặc cắt rộng tầng sinh môn.
Điều trị chứng đại tiện mất kiểm soát
Để chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân của chứng đại tiện mất kiểm soát, bác sỹ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng khó chịu bạn đang gặp phải, lịch sử bệnh tật, các thuốc đang dùng, chế độ ăn uống, sinh hoạt (uống rượu bia, hút thuốc hay đang dùng các thuốc làm tình trạng đại tiện mất kiểm soát trở nên trầm trọng hơn). Bên cạnh đó bạn có thể được yêu cầu thăm khám trực tràng, khám phụ khoa (nữ giới) và làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi tiêu hóa, siêu âm, chụp XQ chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm đánh giá chức năng cơ thắt, …
Sau khi có chẩn đoán xác định và tìm ra nguyên nhân, một số biện pháp có thể sử dụng để điều trị chứng đại tiện mất kiểm soát bao gồm:
Phẫu thuật:
Phẫu thuật tạo hình cơ thắt hậu môn (sphincteroplasty): giúp tái tạo lại chức năng của cơ thắt hậu môn (nhóm cơ phụ trách kiểm soát đường ra của phân, hơi) do bị tổn thương từ các nguyên nhân khác nhau.
Các phẫu thuật điều trị bệnh lý khác: trĩ, sa trực tràng, …
Điều trị thuốc
Thuốc điều trị tiêu chảy: loperamid (Imodium), bismuth subsalicylat (Pepto-Bismol, Kaopectate)
Thuốc trị táo bón: thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân, thực phẩm bổ sung chất xơ (Metamucil or Citrucel)
Trong trường hợp các thuốc thông thường trên không đỡ, bạn cần thông báo lại với bác sỹ để có thể chuyển sang các nhóm thuốc khác phù hợp hơn, trong đó có các thuốc điều trị các bệnh lý mạnh tính khác (hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu)
Thay đổi chế độ ăn
Theo dõi chế độ ăn hàng ngày giúp bạn phát hiện các loại thực phẩm làm khởi phát hoặc là nguyên nhân của chứng đại tiện mất kiểm soát, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng để có sự điều chỉnh chế độ ăn phù hợp
Tạo thói quen đại tiện mỗi ngày
Luyện tập và kiên trì để giúp cơ thể có phản xạ đi đại tiện vào một giờ cố định sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn hoạt động đại tiện. Để làm được việc đó, bạn cũng cần điều chỉnh giờ ăn cho phù hợp và cố gắng vào một giờ cố định. Việc điều chỉnh thói quen đại tiện vào giờ cố định có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt với chứng đại tiện mất kiểm soát sau vài tuần đến vài tháng.
Phương pháp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu: chuyên gia về vật lý trị liệu có thể đưa ra các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu, (bài tập Kegel), từ đó giúp cải thiện triệu chứng của đại tiện mất kiểm soát
Chế độ sinh hoạt
Trong trường hợp không thể khỏi dứt điểm hoặc đang trong thời gian điều trị, những lời khuyên sau sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ chịu hơn khi đang mắc chứng đại tiện mất kiểm soát
· Kiên trì tuân thủ kế hoạch đại tiện và ăn uống cố định theo giờ trong ngày. Nếu bạn phải ra khỏi nhà, bạn nên đại tiện trước khi đi và mang theo bên mình những vật dụng cần thiết: thuốc, giấy vệ sinh/miếng lót/bỉm, chất khử mùi phân và quần áo dự phòng
· Cảm giác ẩm ướt, ngứa, kích thích gây khó chịu vùng hậu môn thường xuất hiện và khá phổ biến. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn giảm bớt các khó chịu này
o Rửa sạch vùng hậu môn hoặc dùng khăn lau dành cho trẻ em sau mỗi lần đại tiện
o Sử dụng kem chống ẩm vùng hậu môn
o Sử dụng miếng gạc đệm hoặc đồ lót dùng một lần.
o Thường xuyên thay đồ lót bẩn để giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo.
Chế độ sinh hoạt đối với chứng đại tiện, tiểu tiện mất kiểm soát
Không có công thức chung trong việc điều trị và chăm sóc với chứng tiểu tiện, đại tiện mất kiểm soát. Điều khó nhất là tìm ra giải pháp phù hợp nhất đối với từng trường hợp. Do vậy, để nhận được thông tin đầy đủ và có giải pháp phù hợp nhất đối với vấn đề bạn đang gặp phải, bạn nên trao đổi với nhân viên y tế ngay khi có những dấu hiệu bất thường về tiểu tiện, đại tiện cũng như những thay đổi trong quá trình điều trị. Bạn cũng có thể trao đổi thông tin với những người khác cũng đang bị mắc chứng bệnh giống mình để học hỏi lẫn nhau. Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng của mình:
· Chủ động tiểu tiện sau mỗi 3-4 tiếng khi thức
· Tiểu tiện trước khi ngủ hoặc trước khi hoạt động gắng sức
· Hạn chế uống đồ uống chứa caffein, tránh đồ uống có cồn, tránh uống nước chanh
· Tránh các sản phẩm vệ sinh có thể gây kích ứng cho bạn (xà phòng thơm, nước thơm, phấn khô, khăn giấy ướt có cồn). Phụ nữ nên tránh dùng thuốc xịt phụ khoa hoặc thuốc đặt âm đạo không kê đơn.
· Vì mỡ bụng có thể đẩy vào bàng quang, do vậy nên tránh để tăng cân đôi khi cũng giúp cải thiện chứng tiểu tiện mất kiểm soát.
· Tránh sử dụng thuốc lá vì có thể gây ho và kích thích bàng quang do các chất có hại trong các sản phẩm thuốc lá.
· Nói với bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc, vitamin, thảo dược và các thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng vì những thứ này có thể ảnh hưởng đến kiểm soát nước tiểu.
Người nhà và nhân viên chăm sóc có thể làm gì?
• Khuyến khích hoặc giúp người bệnh chăm sóc vùng tầng sinh môn một cách thích hợp sau khi đại tiện, tiểu tiện. Sử dụng nước ấm và giữ cho cho vùng đó luôn được khô ráo.
• Giúp người bệnh ghi lại các loại thực phẩm hoặc đồ uống cụ thể có thể ảnh hưởng đến xấu đến tần suất bệnh nhân đi vệ sinh.
• Động viên, giúp đỡ người bệnh duy trì kế hoạch đi đại tiện, tiểu tiện theo giờ cố định
• Khuyến khích người bệnh tập thể dục hàng ngày và thường xuyên khi được sự đồng ý của nhân viên y tế.
Liên hệ ngay với nhân viên y tế khi bạn có các triệu chứng sau:
- Mót rặn, quặn bụng, khó chịu hoặc đau khi đi đại tiện, tiểu tiện
- Có thay đổi bất thường trên da vùng tầng sinh môn: đỏ da, chảy máu, loét hoặc sưng nề.
- Bị tiêu chảy hoặc táo bón
Nguồn: www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Đường link: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/stool-or-urine-changes/bladder-incontinence.html?fbclid=IwAR33NyGpaqq_Y8Zx_8Gc2o-gnw8g2Hu5sKfHn9cf3eNtqSdrRSlCsHTldpA (Truy cập ngày 10/7/2020)
Theo bản dịch của Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội