Xạ trị được sử dụng để điều trị ở tất cả các giai đoạn đối với ung thư vú. Đối với ung thư vú sau phẫu thuật bảo tồn, xạ trị là một chỉ định bắt buộc.
Theo BS Nguyễn Chí Việt, khoa Xạ 2, Bệnh viện K, mục đích của xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn là tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u. Từ đó làm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và tỷ lệ tử vong do ung thư vú.
Đối với ung thư vú sau phẫu thuật cắt tuyến vú triệt căn, bác sĩ lâm sàng sẽ cân nhắc xạ trị dựa trên các yếu tố nguy cơ như kích thước khối u, tình trạng di căn hạch, thể mô bệnh học, tuổi, thụ thể nội tiết… để chỉ định tia xạ bổ trợ lên diện thành ngực và hạch vùng.
Xạ trị ung thư vú không được chỉ định nếu bệnh nhân có mắc các bệnh mô liên kết kèm theo như xơ cứng bì, phụ nữ mang thai, bệnh nhân không chấp nhận xạ trị.
Thời gian xạ trị là bao lâu?
Hiệu quả của xạ trị phụ thuộc vào việc tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân vì một số lý do:
– Bệnh nhân cần đạt được tổng liều điều trị cần thiết để tiêu diệt các tế bào ung thư sau phẫu thuật.
– Xạ trị đạt được hiệu quả tối đa khi được tiến hành liên tục theo lịch trình. Một số phác đồ trước đây được tiến hành một lần mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, kéo dài 5 đến 7 tuần.
Gần đây, một số nghiên cứu đã chứng minh phác đồ xạ trị giảm số phân liều đem lại hiệu quả điều trị tương đương, không có sự khác biệt về tác dụng phụ và rút ngắn thời gian điều trị đáng kể xuống còn 3 đến 4 tuần. Việc áp dụng phác đồ xạ trị giảm số phân liều không những đem lại sự thuận tiện cho bệnh nhân trong việc tuân thủ phác đồ điều trị, phác đồ này cũng giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển, nơi mà số lượng thiết bị xạ trị không đáp ứng đủ nhu cầu của các bệnh nhân xạ trị.
Một số tác dụng phụ của xạ trị ung thư vú
Theo PGS.TS Cung Thị Tuyết Anh, khoa xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tác dụng phụ hay gặp nhất đối với bệnh nhân xạ trị ung thư vú là phản ứng da vùng tia. Tùy theo phương pháp xạ trị, mức năng lượng, tình trạng da, chế độ dinh dưỡng… mỗi bệnh nhân sẽ gặp phản ứng da vùng tia từ nhẹ (đỏ da, cảm giác nóng rát, ngứa…) đến nặng (bong da khô, bong da ướt, loét, chảy dịch, máu…). Một số trường hợp có biến chứng da vùng tia mức độ nặng sẽ cần dừng xạ trị.
Ngày nay viêm da do xạ trị ung thư vú thường nhẹ và da trở lại bình thường vài tháng sau xạ trị. Trong quá trình xạ trị, nếu bệnh nhân gặp phải các biến chứng da vùng tia cần trao đổi với bác sĩ điều trị để nhận được sự tư vấn và điều trị thích hợp. Tránh việc tự ý điều trị, vì nếu điều trị không đúng cách sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng viêm da.
Một số biến chứng hiếm gặp hơn bao gồm viêm phổi do xạ trị, biến chứng tim. Để hạn chế các biến chứng do xạ trị, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc da vùng tia trong quá trình xạ trị cũng như việc thận trọng trong quá trình lập kế hoạch xạ trị của bác sĩ.