1. Tại sao ung thư lại tái phát?
Ung thư đôi khi có thể quay trở lại ngay cả khi đã điều trị thành công. Hiện tượng này gọi là ung thư tái phát. Tương tự như những ca ung thư mắc mới, ung thư tái phát và di căn có thể xuất hiện tại bất cứ nơi nào trong cơ thể người bệnh.
Nguyên nhân giải thích vì sao ung thư tái phát là do phương pháp điều trị trước đây không tiêu diệt được tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Trên thực tế, ngay cả những tế bào ác tính rất nhỏ bị sót lại cũng có thể phát triển thành khối u theo thời gian. Trong khi đó, những tế bào này là quá nhỏ và các xét nghiệm không đủ khả năng phát hiện.
Các chuyên gia thường đánh giá một bệnh nhân bị tái phát ung thư nếu họ không còn dấu hiệu của bệnh trong ít nhất một năm sau khi điều trị. Ung thư có nguy cơ tái phát nhiều lần và trong một số trường hợp có thể không biến mất vĩnh viễn.
Khi nhận được chẩn đoán kết luận ung thư tái phát, đa phần bệnh nhân sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, buồn bã và mất niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị ung thư tái phát cũng như hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân để đối mặt với căn bệnh này.
Ung thư xuất hiện trở lại không có nghĩa là phương pháp điều trị trước đó đã không hiệu quả. Trên thực tế, các tế bào ung thư ác tính thường khó chữa trị triệt để, thậm chí có thể sống sót qua các đợt điều trị tích cực.
2. Ung thư tái phát ở cơ quan nào?
Ung thư có thể xuất hiện ở tại nơi phát hiện ra mầm mống ung thư ban đầu hoặc tại một cơ quan nào đó trong cơ thể.
Các bác sĩ thường phân loại ung thư tái phát theo mức độ lan rộng và cơ quan phát hiện, cụ thể như sau:
- Nếu ung thư xuất hiện trở lại ngay tại cơ quan mà trước đó nó khởi phát (hoặc rất gần nơi này) thì được gọi là “tái phát cục bộ“;
- Nếu khối u xuất hiện trong các hạch bạch huyết hoặc các mô gần nơi phát hiện ung thư ban đầu thì gọi là “tái phát khu vực“;
- Nếu các tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến các cơ quan khác không liên quan đến vị trí ung thư trước đó thì gọi là ung thư tiến triển hoặc di căn.
Dù ung thư xuất hiện trở lại và lan sang một vị trí khác thì nó vẫn được đặt tên theo cơ quan phát hiện ban đầu. Ví dụ, bệnh nhân bị ung thư vú trở lại nhưng xuất hiện ở gan thì vẫn được gọi là ung thư vú di căn.
Các xét nghiệm chẩn đoán như chụp chiếu hình ảnh, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và phân tích mẫu sinh thiết sẽ giúp bác sĩ kết luận liệu dấu hiệu ung thư của bạn có phải là tái phát hay không. Bởi vì trên thực tế, bệnh nhân có thể đã mắc phải một loại ung thư mới không liên quan đến ung thư ban đầu, gọi là ung thư nguyên phát thứ hai. Đây là tình trạng xảy ra khi một loại ung thư mới xuất phát từ các tế bào ác tính ở một cơ quan khác, không phải do hiện tượng di căn từ ung thư trước đó. Một số xét nghiệm chuyên biệt có chức năng phát hiện tính chất một loại ung thư là tái phát hay mắc mới. Ung thư nguyên phát thứ hai thường ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư tái phát, nhưng hiện tượng này vẫn có thể xảy ra.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng khái niệm “ung thư tiến triển” để mô tả tình trạng của bệnh nhân. Hiện tượng này khác với “tái phát”, nhưng đôi khi người bệnh nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào thời gian bệnh nhân không có triệu chứng ung thư. Tái phát là khi triệu chứng ung thư biến mất, sau đó quay trở lại, trong khi tiến triển là bệnh ung thư trở nên trầm trọng hơn hoặc lan rộng đến những khu vực khác. Một số trường hợp ung thư nhanh chóng xuất hiện trở lại do tế bào ác tính trở nên kháng thuốc, vì vậy trường hợp này được xem là ung thư tiến triển.
3. Những đối tượng nào thường mắc ung thư trở lại?
Các bác sĩ không thể dự đoán cụ thể trường hợp nào sẽ tái phát ung thư và tại sao ung thư lại tái phát. Tuy nhiên, bác sĩ có thể biết được bệnh nhân nào có nguy cơ cao ung thư sẽ quay trở lại nếu bệnh có xu hướng tiến triển nhanh và phức tạp. Như vậy, quá trình điều trị ban đầu có ảnh hưởng nhất định đến nguy cơ tái phát ung thư.
Bên cạnh đó, một số loại ung thư có nhiều khả năng quay trở lại hơn những loại khác. Chẳng hạn như, một số thống kê cho thấy:
- 7/10 phụ nữ bị ung thư buồng trứng sẽ tái phát;
- Một nửa số bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng dù được phẫu thuật nhưng cũng sẽ tái phát trong 3 năm sau đó.
Trong tương lai, một số xét nghiệm di truyền có thể dự đoán trước liệu một số bệnh ung thư cụ thể, như ung thư vú, ung thư ruột kết và khối u ác tính có khả năng quay trở lại hay không.
4. Chữa trị ung thư tái phát
Ung thư tái phát không phải lúc nào cũng có đáp ứng tương tự với liệu pháp điều trị như lần đầu tiên. Trên thực tế, kế hoạch chữa ung thư tái phát phụ thuộc vào loại ung thư bệnh nhân mắc phải, mức độ tiến triển và vị trí trên cơ thể.
Nếu ung thư tái phát ở vị trí ban đầu, phẫu thuật hoặc xạ trị (phương pháp điều trị tại chỗ) là lựa chọn thích hợp. Tuy nhiên, nếu bệnh đã lan đến các cơ quan xa, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị tích cực hơn (phương pháp điều trị toàn thân) như hóa trị liệu, liệu pháp sinh học hoặc miễn dịch.
Bệnh nhân có thể tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Những nghiên cứu này cho phép bệnh nhân nhận được những phương pháp điều trị mới nhiều tiềm năng.
5. Sống chung với ung thư tái phát
Nhiều người đã điều trị khỏi ung thư nhưng luôn có tâm trạng lo lắng rằng bệnh của họ sẽ quay trở lại. Nghiên cứu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, một năm sau chẩn đoán, khoảng 2/3 bệnh nhân lo ngại ung thư sẽ tái phát.
Một số bệnh ung thư chỉ quay trở lại 1 lần, trong khi một số trường hợp có thể tái phát 2 hoặc 3 lần. Một số bệnh nhân ung thư tái phát có thể không bao giờ được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng đắn và có lối sống thật sự tích cực, nhiều người có thể sống chung với ung thư tái phát trong thời gian dài. Đối với họ, bệnh ung thư giống như một căn bệnh mãn tính, tương tự như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim.
6. Làm gì khi ung thư tái phát?
Trong thời gian đầu phát hiện ung thư tái phát, cuộc sống của bệnh nhân có thể trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên, bệnh nhân nên cố gắng duy trì thái độ tích cực và nhớ rằng, luôn có phương án điều trị cho mọi tình huống. Biện pháp chữa ung thư tái phát có thể không hiệu quả ngay lập tức và không thể làm ung thư biến mất, nhưng ít nhất sẽ làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện triệu chứng.
Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trong khi điều trị ung thư tái phát:
- Học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực;
- Tích cực kiểm soát những triệu chứng của ung thư và tác dụng phụ của điều trị;
- Dành thời gian cho người thân và bạn bè, chia sẻ với họ về những trải nghiệm đã xảy ra với bạn.
Việc thăm khám định kỳ là biện pháp giúp bệnh nhân phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ tái phát ung thư. Vì vậy, bệnh nhân sau điều trị ung thư cần thường xuyên thăm khám định kỳ theo lịch trình của bác sĩ.