Hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư, vì tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn các tế bào khác.
Hóa trị là gì?
Hóa trị là một hình thức điều trị bằng thuốc hóa học nhằm tiêu diệt các tế bào đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể
Hóa trị thường được sử dụng kết hợp với các liệu pháp khác, chẳng hạn như phẫu thuật, xạ trị hoặc liệu pháp hormone. Việc sử dụng liệu pháp kết hợp phụ thuộc vào:
– Giai đoạn và loại ung thư bạn mắc phải.
– Sức khỏe tổng thể của bạn.
– Các phương pháp điều trị ung thư trước đây bạn đã trải qua.
– Vị trí của các tế bào ung thư.
– Sở thích điều trị cá nhân của bạn.
Đây được coi là một phương pháp điều trị toàn thân, có nghĩa là nó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Hóa trị đã được chứng minh là có thể tấn công tế bào ung thư một cách hiệu quả, nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn nên cân nhắc những tác dụng phụ này với nguy cơ không được điều trị khi quyết định liệu hóa trị có phù hợp với bạn hay không.
Tại sao hóa trị được sử dụng?
Hóa trị chủ yếu được sử dụng để:
– Giảm tổng số tế bào ung thư trong cơ thể bạn.
– Giảm khả năng lây lan ung thư.
– Thu nhỏ kích thước khối u.
– Giảm các triệu chứng hiện tại.
Nếu bạn đã trải qua phẫu thuật để loại bỏ khối u ung thư, chẳng hạn như cắt bỏ khối u cho bệnh ung thư vú, bác sĩ chuyên khoa ung thư của bạn có thể đề nghị hóa trị để đảm bảo rằng bất kỳ tế bào ung thư còn tồn tại nào cũng bị tiêu diệt.
Hóa trị cũng được sử dụng để chuẩn bị cho các phương pháp điều trị khác. Nó có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u để nó có thể được phẫu thuật cắt bỏ hoặc để chuẩn bị cho quá trình xạ trị.
Trong trường hợp ung thư giai đoạn cuối, hóa trị có thể giúp giảm đau.
Bên cạnh điều trị ung thư, hóa trị có thể được sử dụng để chuẩn bị cho những người bị bệnh tủy xương để điều trị bằng tế bào gốc tủy xương và nó có thể được sử dụng cho các rối loạn hệ thống miễn dịch.
Liều thấp hơn nhiều so với liều dùng để điều trị ung thư có thể được sử dụng để giúp điều trị các rối loạn trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh, như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp.
Những tác dụng phụ của hóa trị trong điều trị ung thư
Máu và thành phần máu
– Thiếu hồng cầu: trẻ cảm thấy mệt mỏi nhiều, khó thở, da nhợt nhạt… Nếu thiếu máu nặng, có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, chân tay lạnh.
– Thiếu bạch cầu: Bạch cầu là tế bào miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Thiếu tiểu cầu: tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu nên khi thiếu dễ bị xuất huyết dưới da hoặc nội tạng. Các biểu hiện thường gặp là chảy máu cam, nốt (mảng) xuất huyết dưới da ở những nơi va chạm, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen hoặc máu tươi, kinh nguyệt ra nhiều máu hơn và kéo dài hơn bình thường…
Hệ miễn dịch
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hóa trị liệu dẫn tới suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch do các tế bào miễn dịch bị tiêu diệt và tủy xương không sản xuất các tế bào miễn dịch mới. Biểu hiện là cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, nấm như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, lở loét miệng, nấm miệng…
Hệ tiêu hóa (gan, đường ruột)
– Gan: gan là “nhà máy khử độc của cơ thể” nên sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Việc sử dụng hóa chất sẽ làm tổn thương các tế bào gan đưa đến suy giảm chức năng gan, các men gan tăng cao trong máu và làm tăng nguy cơ nhiễm độc cho cơ thể.
– Đường ruột: Tế bào niêm mạc đường ruột cũng là loại tế bào nhạy cảm với hóa chất. Chúng bị tiêu diệt và suy giảm nặng nề nên các chức năng của dạ dày, ruột non, đại tràng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch đường ruột, nơi tập trung 80% kháng thể của cơ thể cũng bị suy giảm nặng nề, hậu quả tiêu chảy và các hình thức rối loạn tiêu hóa khác xuất hiện: phân lỏng, táo bón…
– Những triệu chứng của tiêu hóa: Buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon là những triệu chứng phổ biến, có thể có cơn nôn mửa.
– Loét miệng có thể gây khó nhai và nuốt. Lở loét cũng có thể hình thành trên lưỡi, môi, lợi/ nướu răng, hoặc trong cổ họng. Lở loét miệng có thể khiến bệnh nhân dễ bị chảy máu và nhiễm trùng.
Hệ da, lông, tóc, móng
Nhiều loại thuốc hóa trị ảnh hưởng đến nang lông và có thể gây rụng tóc trong vòng một vài tuần điều trị đầu tiên.
Rụng tóc có thể xảy ra trên đầu, lông mày, lông mi. Tuy nhiên, tình trạng rụng tóc chỉ là tạm thời, tóc tăng trưởng mới thường bắt đầu một vài tuần sau đợt điều trị cuối cùng.
Một số bệnh nhân bị kích ứng da nhẹ như khô da, ngứa, phát ban, có thể tăng sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Móng tay và móng chân có thể chuyển sang màu nâu hoặc màu vàng và giòn vỡ một cách dễ dàng. Trong trường hợp nghiêm trọng móng tay, móng chân có thể bị bong tróc khỏi nền móng.
Hệ tuần hoàn
Một số loại thuốc hóa trị có thể làm suy yếu cơ tim, dẫn đến bệnh cơ tim, hoặc ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả của cơ tim. Một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng nguy cơ đau cơ tim.
Hệ bài tiết (thận và bàng quang)
Thận sẽ phải làm việc rất nhiều khi thuốc hóa trị vào cơ thể. Các triệu chứng của tổn thương thận là biểu hiện của viêm cầu thận cấp như giảm đi tiểu, phù nề và đau đầu.
Các triệu chứng của kích thích bàng quang bao gồm cảm giác rát khi đi tiểu và tăng số lần tiết niệu.
Hệ thần kinh
Thuốc hóa trị có thể gây ra vấn đề với trí nhớ, khiến bệnh nhân gặp khó khăn để tập trung hoặc suy nghĩ. Suy giảm nhận thức này có thể mất đi sau khi kết thúc điều trị, hoặc có thể kéo dài trong nhiều năm.
Một số loại thuốc hóa trị có thể gây đau, yếu, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên). Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, hay run rẩy. Phản xạ và kỹ năng vận động có thể giảm sút.
Tâm lý và cảm xúc
Sống chung với ung thư và can thiệp bằng hóa trị có thể gây ra một số cảm xúc tiêu cực. Con bạn có thể cảm thấy sợ hãi, căng thẳng hay lo lắng. Một số trẻ lớn có thể bị trầm cảm.
Các phản ứng phụ sẽ biến mất đi dần dần sau khi dừng thuốc vì những tế bào bình thường trong cơ thể hồi phục rất nhanh chóng. Thời gian cần thiết để cơ thể hồi phục hoàn toàn khả năng hoạt động sẽ tùy thuộc vào nền tảng sức khỏe của bệnh nhân và phương pháp hỗ trợ đang sử dụng.