Nhóm thầy thuốc trẻ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy phối hợp với Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, BV Bạch Mai đã ứng dụng kỹ thuật tiêm máu tự thân nhằm đánh dấu vị trí ung thư đại trực tràng.
Kết quả thực hiện kỹ thuật này của nhóm nghiên cứu đã được Tạp chí Y khoa Annals of Medicine and Surgery đăng tải.
Người “già” nhất trong nhóm thầy thuốc trẻ, TS Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy. Các thầy thuốc thuộc thế hệ cuối 8X như ThS.BS Nguyễn Thành Khiêm, Phó trưởng khoa, ThS.BS Vũ Xuân Vinh, ThS.BS Đặng Kim Khuê. “Sức trẻ, sức sáng tạo ở Khoa luôn thường trực trong trái tim mỗi người thầy thuốc, luôn hướng tới sự hoàn thiện”, TS Hùng nói.
“Khắc chế” những khiếm khuyết của kỹ thuật cũ
Chị D. T. L., 40 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ nhập viện với chẩn đoán polyp ung thư đại tràng. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được TS Nguyễn Ngọc Hùng tiến hành thực hiện phẫu thuật nội soi toàn bộ, cắt đoạn đại tràng trái, nạo vét hạch, đoạn ruột có khối u được lấy ra ngoài qua đường lỗ tự nhiên (âm đạo).
Hình ảnh ca phẫu thuật nội soi của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Gan Mật Tụy, BV Bạch Mai
Theo các bác sĩ, với trường hợp bệnh nhân D.T.L phẫu thuật nội soi toàn bộ cắt đại tràng là lựa chọn tốt nhất với ưu điểm giúp người bệnh giảm đau, hồi phục nhanh. Ngay sau ca đại phẫu, bệnh nhân đã có thể tự vận động, ăn nhẹ và ra viện chỉ 4 ngày sau mổ, so với trước đây thời gian nằm viện ít nhất là 7-10 ngày.
Theo các thầy thuốc, đại trực tràng là đoạn ruột cuối của đường tiêu hóa bắt đầu từ hố chậu phải đến hết hậu môn có chiều dài 1,5-2m, tổn thương ung thư có thế xuất hiện ở bất kì vị trí nào của đại tràng. Trong khi đó, xác định vị trí tổn thương trong phẫu thuật nội soi là điều rất quan trọng để có quyết định chính xác đoạn đại tràng nào sẽ được cắt bỏ.
Đối với ung thư đại tràng giai đoạn sớm biểu hiện dạng polyp hoặc loét kích thước nhỏ nằm ở lớp niêm mạc rất khó xác định trong mổ khi quan sát cũng như bằng sờ nắn, đặc biệt là đối với phẫu thuật nội soi.
Vì vậy, có nhiều phương pháp xác định vị trí khối u trong mổ đã được thực hiện như đánh dấu bằng tiêm xanh methylen, mực Ấn Độ hoặc Indocyanine green (ICG), nội soi cặp clip tổn thương, nội soi đại tràng trong mổ.
Tuy nhiên, các phương pháp trên đều có những biến chứng trên bệnh nhân như tiêm xanh Methylen, thuốc màu không tồn tại ở vị trí đánh dấu được lâu và lan ra xung quanh lẫn vào các vị trí khác.
Phương pháp tiêm mực Ấn Độ có biến chứng nghiêm trọng như: viêm phúc mạc khu trú, u giả viêm, thủng ruột, nhồi máu ruột, dính ruột….
Trong khi đó, nội soi đại tràng trước phẫu thuật là kỹ thuật không phù hợp để xác định vị trí khối u trong hầu hết các trường hợp vì khả năng nhiều sai số do giải phẫu và chiều dài đại tràng thay đổi ở mỗi người.
Trong phẫu thuật, nội soi đại tràng có thể xác định chính xác vị trí khối u tuy nhiên phải có thêm kíp nội soi và dàn nội soi ống mềm trên phòng mổ. Kỹ thuật này thực hiện rất khó khăn do bệnh nhân ở tư thế không thuận lợi, thêm nữa, việc bơm hơi vào trong lòng đại tràng làm giãn to đại tràng gây khó khăn cho phẫu thuật, tất cả những yếu tố này sẽ làm kéo dài cuộc mổ, tăng thời gian gây mê, tăng lượng thuốc gây mê, đồng thời làm tăng nguy cơ tai biến.
Kỹ thuật mới an toàn cao, không biến chứng
Chính vì những lý do trên, việc đánh dấu bằng tiêm máu tự thân được tiến hành trong khoảng 24-48 giờ trước khi phẫu thuật nội soi sẽ cơ bản khắc phục được những khó khăn trong quá trình đại phẫu mà các kỹ thuật đánh dấu trước đó gây ra.
Bác sĩ nội soi tiêu hóa sẽ lấy 10ml máu tĩnh mạch của bệnh nhân (không có chất chống đông) làm chất đánh dấu ngay trước khi nội soi. Sau đó thông qua nội soi đại trực tràng ống mềm thực hiện thủ thuật tiêm vào lớp dưới niêm mạc đại tràng 5ml máu ở vị trí trên và dưới tổn thương.
Hình ảnh điểm đánh dấu bằng kỹ thuật máu tự thân qua màn hình nội soi