Phát hiện ung thư vòm mũi họng ác tính khi đang mang thai ở tuần thứ 20, chị H. liên tục bị chảy máu mũi, họng, tính mạng của 2 mẹ con đều nguy hiểm.
Ngày 10/11, bác sĩ Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa phối hợp liên khoa, liên viện cứu sống 2 mẹ con sản phụ T.T.H.H. (ngụ Đức Trọng, Lâm Đồng) mắc ung thư vòm họng ác tính giai đoạn 3 khi đang mang thai tuần thứ 20.
Chị H. được các bác sĩ theo dõi sát và hội chẩn liên tục để tìm phương pháp cứu cả hai mẹ con
Theo đó, chị H. bị chảy máu mũi họng, nôn ra máu liên tục nên đi thăm khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán u sùi vòm xuất huyết, thiếu máu khi mang thai.
Sau đó, chị được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng suy kiệt, thở bằng miệng khó khăn, mũi phải nhét vật liệu để cầm máu, có hạch cổ bên phải to.
Chị được thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết khối u. Kết quả cho thấy khối u ác tính đang hoại tử, tăng sinh nhiều mạch máu, khối u bít kín vòm mũi họng xâm lấn lên trên sàn mũi.
Mặc dù các bác sĩ tích cực thực hiện các biện pháp cầm máu nhưng mỗi ngày chị H. vẫn ói 200-300 ml máu. Tình trạng này tiếp diễn sẽ khiến chị H. và cả thai nhi có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Theo bác sĩ Trường, đây là ca bệnh nặng và hiếm, nếu cứ chảy máu liên tục như vậy chị H. sẽ có thể suy đa cơ quan, suy thai và mất tim thai bất cứ lúc nào.
“Nghe được tim thai của bệnh nhân còn đập rõ ràng, khỏe mạnh buộc tôi nghĩ bằng mọi cách cần cứu sống cả mẹ lẫn con. Vì vậy, bệnh viện đã hội chẩn liên khoa và phối hợp với Khoa sản Bệnh viện Hùng Vương để lên phương án cứu hai mẹ con”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ khối u cho chị H. thay vì hóa trị hay xạ trị
Theo phác đồ điều trị đối với ung thư vòm họng, bệnh nhân phải thực hiện xạ trị kết hợp hóa trị. Tuy nhiên, sau nhiều lần hội chẩn ê-kíp quyết định mổ cắt toàn bộ khối u cho chị H.. Bởi chị H. đang mang thai, xạ trị sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Dù vậy, chị H. vẫn phải dùng thuốc, các bác sĩ cũng cân nhắc và lựa chọn để thai nhi không bị tác dụng phụ, đồng thời, quyết tâm dưỡng thai tối đa để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bác sĩ vẫn phải tiên lượng tình huống xấu là chấm dứt thai kỳ nếu có biến chứng xảy ra.
Tại phòng mổ, chị H. vẫn chảy máu ở mũi họng liên tục. Vì vậy, vừa cắt khối u các bác sĩ phải vừa thực hiện kẹp đốt các mạch máu nuôi u để máu không chảy vào đường thở gây bít tắc. Bệnh nhân đã được truyền 19 đơn vị hồng cầu lắng, 9 đơn vị huyết tương và 5 khối tiểu cầu.
Sau phẫu thuật chị H. không còn chảy máu mũi họng
Sau ca phẫu thuật, chị H. hết chảy máu mũi họng, thở mũi thông thoáng, ăn uống được. Lúc này, thai nhi được 24 tuần tuổi, tim thai tốt, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, chị H. vẫn phải thực hiện phác đồ hóa trị. Các bác sĩ đã nghiên cứu kỹ y văn để tìm ra phác đồ ít tác dụng phụ nhất cho thai nhi.
Sau 4 đợt hóa trị, điều trị tích cực và dưỡng thai đến 35 tuần, chị H. được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ bắt thai. Em bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,3 kg.
Sau quá trình điều trị tích cực và theo dõi, chị H. được mổ lấy thai ở tuần thứ 35
Hiện tại sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định, khối u vòm mũi họng của chị H. khô thoáng, không chảy máu mũi. Cả hai mẹ con được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, chị H. sẽ phải quay lại tiếp tục điều trị ung thư trong thời gian tới theo chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ Trường, ung thư vòm mũi họng trên sản phụ chỉ được ghi nhận vài trường hợp trong y văn thế giới. Trường hợp của chị H. được xem là ca đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật thành công.
Chị H. xúc động nói: “Tôi không nghĩ mình có thể sống và sinh được con. Nhưng qua sự hỗ trợ tận tình của các y bác sĩ đã cứu 2 mẹ con tôi. Cảm giác như mình chết đi sống lại. Bây giờ, tôi chỉ mong hết bệnh để sống và chăm con”.