Ung thư là căn bệnh mà ai cũng có thể mắc phải, không riêng một số người nhất định. Thực chất, ung thư bị gây ra do những tế bào vốn dĩ bình thường trong cơ thể – vì một nguyên nhân nào đó – bị đột biến và trở nên ung thư hóa.
Ung thư là gì?
Ung thư là một bệnh của các tế bào, vốn là những đơn vị cấu trúc cơ bản của cơ thể. Cơ thể chúng ta liên tục sản xuất ra các tế bào để giúp chúng ta phát triển, để thay thế những tế bào đã chết, hoặc hàn gắn lại những tế bào bị tổn thương sau một chấn thương. Các gene nào đó kiểm soát quá trình này và chính việc gây tổn hại những gene này dẫn đến các bệnh ung thư. Sự tổn hại này thường xảy ra trong cuộc đời con người, mặc dù có một số nhỏ lại thừa hưởng những gene này từ cha mẹ họ. Bình thường thì các tế bào phát triển và nhân lên theo một trình tự. Tuy nhiên, những gene đã bị tổn hại có thể phát triển không bình thường. Chúng có thể phát triển thành những khối gọi là u/bướu.
Những khối u có thể lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Những khối u lành tính không xâm lấn vào các cơ quan và các mô xung quanh của cơ thể.
Trong khi u ác tính sẽ phát triển, nó có thể giới hạn trong khu vực ban đầu. Nếu những tế bào này không được xử lý hay điều trị, chúng có thể xâm lấn ra ngoài phạm vi ban đầu và xâm lấn vào những mô xung quanh, trở thành ung thư xâm lấn.
Ung thư hình thành như thế nào?
Ung thư xuất phát từ một tế bào đơn lẻ, đơn vị cơ bản của sự sống. Sự chuyển dạng từ một tế bào bình thường thành một tế bào ung thư là một quá trình nhiều giai đoạn, từ một tổn thương tiền ung thư đến khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân bên ngoài, bao gồm:
- Các tác nhân sinh ung vật lý, như tia cực tím và bức xạ ion hóa.
- Các tác nhân sinh ung hóa học, như a-mi-ăng (asbestos), các thành phần của khói thuốc lá, aflatoxin (một chất nhiễm bẩn thức ăn), và arsenic (một chất nhiễm bẩn nước uống).
- Các tác nhân sinh ung sinh học, như nhiễm trùng một số virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng.
Khói thuốc lá – Nguyên nhân ung thư hàng đầu
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, ngoại trừ tế bào não và thần kinh là bất biến (không được sinh sản thêm ra mà chỉ mất đi), còn lại các tế bào khác sẽ được thay thế bằng những tế bào mới nhờ quá trình gọi là “Sự phân bào”.
Sự phân bào là một chu trình tuần hoàn bao gồm các sự kiện xảy ra trong một tế bào tính từ lần phân bào này cho đến lần phân bào tiếp theo. Trong quá trình này, bộ máy di truyền và các thành phần của tế bào được nhân đôi để chia thành hai tế bào con. Ở người (sinh vật đa bào) thì phân chia tế bào là một quá trình cực kỳ quan trọng để một hợp tử (trứng và tinh trùng) phát triển thành một cơ thể sống hoàn chỉnh và hơn thế nữa để giúp cơ thể bổ sung những tế bào mới thay cho những tế bào bị chết đi (ví dụ: tế bào da của bạn chết, bị bong tróc thì có lớp tế bào mới thay thế). Theo ước tính mỗi ngày có khoảng 300 tỷ tế bào mới được sinh ra.
Quá trình phân bào ở mọi sinh vật đều có chung một đặc điểm là sao chép và truyền đạt lại toàn bộ và chính xác các thông tin di truyền của chúng cho các tế bào con. Do vậy ADN của tế bào mẹ phải được nhân đôi một cách chính xác tuyệt đối và phải được chia đồng đều cho các tế bào con sao cho mỗi tế bào con đều nhận được ADN y hệt tế bào mẹ.
Ung thư xuất hiện do ADN bị tổn thương.
Trong quá trình sinh sống của người, các ADN có thể bị ảnh hưởng và hư hại bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài môi trường như tia cực tím (UV) từ mặt trời, khói thuốc lá, các hóa chất độc hại, phóng xạ, và các phân tử không ổn định do cơ thể sinh ra trong quá trình đồng hóa, thường được gọi là gốc tự do. Các tác nhân có thể ngăn chặn các hoạt động sống còn của tế bào như phiên mã gene, đó là bước đầu tiên trong sản xuất protein. Hậu quả của những tác động này là có thể tạo ra những tế bào có ADN “bất thường”.
Các tác nhân từ ngoài môi trường tác động liên tục hàng ngày, gây ra những tế bào có ADN “bất thường”. Nhưng cơ thể con người là một bộ máy diệu kỳ! Cơ thể phản ứng với tình trạng này theo hai cách:
- Các tế bào có một số cơ chế để sửa chữa những ADN bị hư hỏng trước khi chúng có thể gây ra một vấn đề nào đó cho cơ thể. Cơ chế sửa chữa này liên quan đến một loại protein có tên là Cockayne A (CSA). CSA có chức năng sửa chữa những ADN bị hư hỏng. CSA được tạo ra dưới sự hướng dẫn của gene ERCC8;
- Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể nhận ra được những tế bào “bất thường” và tiêu diệt chúng. Hai có chế này giải thích cho một thực tế rằng hầu hết các tế bào mang ADN “bất thường” (có thể gọi là các tế bào “tiền ung thư” đều chết trước khi chúng có thể gây ra ung thư. Chỉ có một số nhỏ trong số những tế bào này “lọt lưới” được và biến thành ung thư.
Việc sửa chữa các ADN bất thường của tế bào diễn ra đều đặn. Trong trường hợp bản thân gene sửa chữa bị hư hỏng (ông thợ lành nghề bị ốm) và hệ miễn dịch bị suy giảm, trong khi những tế bào mang ADN hư hỏng vẫn liên tục được sinh ra hàng ngày, hàng giờ mà không được sửa chữa hoặc tiêu diệt kịp thời dẫn sẽ đến tình trạng các tế bào cứ thế sao chép, nhân đôi các ADN bị hư hỏng, tạo ra thế hệ tế bào con mang những ADN bị hư hỏng và thế là dẫn đến hệ quả hoặc tế bào “lỗi” này bị chết hoặc chúng sống và sinh sôi nảy nở và ung thư xuất hiện.
Các tế bào ung thư sẽ lưu hành trong hệ bạch huyết và máu và tìm đến bộ phận nào yếu nhất trong cơ thể để “định cư” tại đó. Các tế bào ung thư cứ thế sinh sôi nảy nở tạo thành khối u ung thư. Đa số các khối u ung thư phát triển chậm, từ khi hình thành đến khi nhận biết được cũng mất khoảng 5-15 năm. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp có thời gian ngắn hơn nhiều.
Thống kê về tỷ lệ mắc ung thư trên thế giới và Việt Nam
Trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư và 9,6 ca bệnh nhân ung thư tử vong. Dự báo năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, ung thư cũng là bệnh lý đang tăng cao. Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), năm 2018 tại Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Dự báo con số này sẽ vượt 200.000 người vào năm 2020. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ 104,4/100.000 dân.
(Theo prosure.com.vn)