Ung thư phổi là một trong 10 ung thư thường gặp ở nước ta, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới. Bệnh ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi. Với các dấu hiệu không rõ ràng, ung thư phổi được cho là kẻ giết người thầm lặng. Bởi vậy, mọi người nên chủ động thăm khám sớm để tầm soát ung thư phổi, giúp phát hiện và xử trí kịp thời,nâng cao hiệu quả điều trị.
Ung thư phổi – Những con số cảnh báo cần chủ động tầm soát sớm
Ung thư phổi đang là căn bệnh ung thư gây tử vong phổ biến ở nam giới. Thực tế mỗi năm thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong vì ung thư phổi. Ở Việt Nam, thống kê của Bệnh viện K năm 2020 cho biết có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong. Đây là con số đáng báo động đối với tất cả chúng ta đặc biệt là người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư phổi khi được phát hiện đều đã ở giai đoạn nặng. Nguyên nhân do ung thư phổi không có triệu chứng rõ ràng, những biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thường gặp khác như ho kéo dài, thở ngắn, đau ngực. Đến khi các triệu chứng tiến triển nặng như ho có đờm lẫn máu, gầy sút cân, mệt mỏi, thở nông, khó nuốt, đau ngực, thở khò khè và tràn dịch màng phổi… thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và có nguy cơ tử vong cao.
Ung thư phổi đang là căn bệnh ung thư gây tử vong phổ biến ở nam giới
Ung thư phổi là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chính là do thuốc lá, chiếm đến 90% trường hợp trong đó gồm cả hút chủ động và thụ động.
Việt Nam là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới trong đó nam giới chiếm 56,1%. Bởi thế tình trạng hút thuốc thụ động tại cũng rất cao, ước tính có đến 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.
Theo thống kê, 30% tỷ lệ mắc khối u phổi đều liên quan tới hút thuốc dài hạn. Ngoài ra, do các chất gây ung thư có thể hấp thụ dễ dàng qua phổi, dẫn đến tổn hại hệ thống, gây ra các loại ung thư như thanh quản, thực quản, vòm họng và nhiều loại ung thư khác.
Nguyên nhân tiếp theo gây ung thư phổi là ô nhiễm môi trường, cụ thể với người làm việc, sinh sống trong các môi trường nhiều khói bụi, gần nhà máy, xí nghiệp… Yếu tố di truyền từ các thế hệ trước cho thế hệ sau cũng là nguyên nhân không thể bỏ để người bệnh chủ động tầm soát phòng bệnh sớm.
Chủ động thăm khám – Tầm soát ung thư phổi hiệu quả
Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn – Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: ”Không nên chủ quan rằng mình không hút thuốc thì không có nguy cơ mắc ung thư phổi, bởi bạn có thể đang phải đối mặt với khói thuốc thụ động từ người thân, đồng nghiệp hoặc sống trong môi trường ô nhiễm. Bởi vậy hãy luôn chủ động tầm soát ung thư phổi , đặc biệt khi bản thân xuất hiện các triệu chứng như ho dai dẳng, khó thở, đau ngực thường xuyên…”
Vậy chủ động tầm soát nguy cơ ung thư phổi bằng những phương pháp nào?
Hãy luôn chủ động tầm soát ung thư phổi , đặc biệt khi bản thân xuất hiện các triệu chứng như ho dai dẳng, khó thở, đau ngực thường xuyên
Bác sĩ Tuấn khuyến nghị chúng ta cần khám lâm sàng chuyên khoa hô hấp để đánh giá chính xác các triệu chứng bệnh hiện có. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang phổi, đặc biệt là chụp CT phổi liều thấp giúp đánh giá các tổn phương và phát hiện sớm các khối u bất thường ở phổi.
Bên cạnh đó, kết hợp cùng xét nghiệm máu nhằm phát hiện dấu ấn ung thư phổi để nâng cao hiệu quả tầm soát. Trong quá trình thăm khám, tầm soát chủ động, bạn có thể được chỉ định nội soi phế quản hoặc sinh thiết nếu cần.